Sau 5 lần tham dự Kì thi tay nghề thế giới, Nguyễn Duy Thanh đã mang về Huy chương Đồng cho Việt Nam tại nội dung thi “Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin được tổ chức tại Brazil năm 2015. Nguyễn Duy Thanh chia sẻ: “Trước khi tham dự Kì thi, em được phía doanh nghiệp Hàn Quốc đưa sang Hàn Quốc rèn luyện hơn một năm. Trong môi trường công nghiệp tại Hàn Quốc mới thấy họ thật sự chuyên nghiệp trong tác phong, cường độ làm việc cao, quyết tâm trong công việc cũng rất lớn. Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư rất nhiều trong việc dạy, học nghề, cũng như trong sản xuất. Em đã phải trải qua 13 tháng huấn luyện với cường độ 15 giờ mỗi ngày ở Trung tâm Kĩ năng nghề. Ngoài kĩ năng thiết lập chương trình phần mềm, em cũng được huấn luyện về khả năng thuyết trình, giao tiếp. Về lí thuyết, thí sinh Việt Nam không thua kém các nước. Tuy nhiên từ lí thuyết đến thực hành là cả vấn đề. Mọi động tác kĩ thuật phải thuần thục, tỉ mỉ chi tiết, chính xác".
Từ kinh nghiệm của Thanh cho thấy, việc học và dạy nghề tại Việt Nam cần có sự thay đổi để theo kịp những nước có trình độ, kĩ năng nghề cao trên thế giới. Trước hết là thay đổi trong tiếp nhận học nghề. Năm học 2015 - 2016, hàng loạt học sinh đạt điểm cao trong Kì thi THPT quốc gia ở nhiều địa phương đã không vào đại học, mà đăng kí học nghề. Điều này cho thấy rõ những chuyển biến trong nhận thức về vấn đề bằng cấp và việc làm của người dân, nhất là những người trẻ...
Đạt 24,5 điểm trong Kì thi THPT, Trần Ngọc Nam (18 tuổi, trú tại xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) hoàn toàn có thể vào một trường Đại học nào đó, nhưng Nam đã chọn nghề Kĩ thuật hàn của Trường Cao đẳng nghề (CĐN) Việt - Đức (Hà Tĩnh) để nhập học. Nam cho biết: “Nhiều anh, chị ở quê em cầm tấm bằng Đại học loại giỏi ra trường, có người học tiếp cao học, ra trường vẫn thất nghiệp, nhiều người phải về phụ bố mẹ làm nghề nông. Thực tế này khiến em quyết định lựa chọn học nghề”.
Cùng suy nghĩ như Trần Ngọc Nam, sinh viên Lương Đình Linh, trú tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã quyết định nhập học ngành Cơ điện tử (Khoa Cơ khí của Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội), mặc dù số điểm 18 đủ để Linh vào học Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Linh chia sẻ: “Cân nhắc giữa Đại học ra làm trái ngành nghề, nguy cơ thất nghiệp cao và học nghề giỏi ra có việc làm ngay thì em ưu tiên học nghề trước rồi sẽ tính tiếp học Đại học sau”.
Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội cho biết: Trong năm học 2015 - 2016, trường đã tiếp nhận gần 100 hồ sơ của các thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên trong Kì thi THPT quốc gia. Số học sinh đạt điểm đỗ các trường Cao đẳng, Đại học chọn trường nghề tăng hơn so với năm trước.
Thực tế này cũng được minh chứng qua các phiên giao dịch việc làm ở các địa phương: Nhóm lao động kĩ thuật luôn “đắt hàng” nhất trong các nhu cầu tuyển dụng lao động. Trung bình, chỉ tiêu tuyển dụng lao động kĩ thuật chiếm 50 - 70% tổng số chỉ tiêu. Trong khi đó, nhóm có trình độ ĐH thất nghiệp nhiều, bởi một số lý do: Lĩnh vực chuyên môn chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường, chủ yếu là ứng viên ngành xã hội, năng lực chuyên môn chưa tương xứng với bằng cấp. Tình trạng lao động tốt nghiệp đại học trở lên chấp nhận làm lao động phổ thông, không đúng ngành, nghề đã học khá phổ biến ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh...
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: Những phân tích cảnh báo của bản tin thị trường lao động và thực tế từ việc tuyển dụng của các doanh nghiệp đã góp phần vào thay đổi định hướng nghề nghiệp trong tương lai cho thí sinh cũng như gia đình.
Những con số về tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên trên các phương tiện truyền thông, những thí dụ thực tế của đời sống hằng ngày như công nhân phải "giấu" bằng Đại học khi đi xin việc khiến các bậc phụ huynh cũng như các bạn trẻ phải đưa lên bàn cân và tìm cách giải bài toán “việc làm hay bằng cấp”. Điều đó cho thấy: học nghề được coi là lựa chọn thực tế và thông minh trong bối cảnh ngày càng nhiều cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp như hiện nay.
Đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp
Nhu cầu đổi mới dạy và học nghề đến từ cơ hội hội nhập. Nhãn tiền nhất là khi Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) từ 31/12/2015, thị trường lao động nội khối ASEAN được dự báo sẽ có sự tăng trưởng bứt phá về việc làm, nhờ dòng lao động di cư mạnh mẽ.
Tham gia AEC, Việt Nam có những lợi thế nhất định, nhất là về qui mô lao động, cơ cấu lao động “trẻ”. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, khoảng 45% lực lượng lao động vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, hầu hết chưa qua đào tạo, chỉ có khoảng 30% tỉ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động chính thức; đây là bất lợi lớn cho thị trường lao động Việt Nam. Theo ông Doãn Mậu Diệp, tay nghề lao động là điểm cạnh tranh trực tiếp với lao động nước ngoài khi Việt Nam hội nhập.
Với thực trạng tay nghề lao động như hiện nay, chúng ta cần nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, có sự điều chỉnh phù hợp về cơ cấu lao động, tổ chức tốt thị trường lao động. Bên cạnh đó, người lao động cũng phải chủ động nâng cao tay nghề, các kĩ năng mềm khác và học ngoại ngữ để có cơ hội tham gia làm việc tại các nước của AEC. Lao động Việt Nam phải ý thức được điều này, chấp nhận áp lực cạnh tranh, để không bị thua ngay trên sân nhà”, ông Doãn Mậu Diệp khẳng định.
Phương thức đào tạo nghề nghiệp thời gian tới cũng sẽ có những thay đổi. Theo đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ là hệ thống mở, linh hoạt, đảm bảo liên thông thuận lợi giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng nghề hoặc với các nghề khác hoặc liên thông lên trình độ cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân. “Người học được coi là trung tâm của quá trình đào tạo, được học theo năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân, có thể học nhiều nội dung trong cùng thời gian và được công nhận theo hình thức tích lũy các năng lực; người học có thể học rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học tập hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân người học”, ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho biết.
Trước đây, Bộ LĐTBXH ban hành chương trình khung đối với từng nghề đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng. Trên cơ sở chương trình khung, các cơ sở dạy nghề ban hành chương trình dạy nghề chi tiết. Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, Nhà nước không ban hành chương trình khung mà giao cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ xây dựng chương trình đào tạo. Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào chuẩn kĩ năng của từng bậc trong khung trình độ quốc gia để xây dựng chương trình đào tạo cho phù hợp. “Tổng cục Dạy nghề" sẽ được đổi tên thành "Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp".
Các cơ sở dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng sẽ được đổi tên theo qui định của Luật. Các trường sẽ phải rà soát sắp xếp lại sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế của từng vùng, đổi mới chất lượng đào tạo theo hướng tự chủ dần, theo hướng xã hội hóa, có sự tham gia của doanh nghiệp. Năm 2016 sẽ là năm đổi mới mạnh mẽ của hệ thống giáo dục dạy nghề, khi mà một loạt nghị định, thông tư hướng dẫn sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới”, ông Dương Đức Lân nhận định.
thống kê, thị trường, lao động, thương binh, xã hội, tổng cục, công bố, lĩnh vực, đào tạo, thách thức, thay đổi, nâng cao, năng lực, nhất là
Ý kiến bạn đọc